Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

thumbnail

Nguyễn Phúc Bảo Long - Hoàng Thái Tử Cuối Cùng

Nguyễn Phúc Bảo Long ( 4 tháng 1 năm 1936 – 28 tháng 7 năm 2007) là hoàng thái tử cuối cùng của Việt Nam. Ông là con trai của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Ông có một em trai là hoàng tử Bảo Thắng, ba cô em gái là Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Liên và Công chúa Phương Dung. Tất cả đều ở Pháp.

Ông không có người thừa kế, nên người em út của ông là hoàng tử Bảo Thắng (sinh 1943) được tiếp nhận tất cả tài sản và những bảo vật của triều Nguyễn do Bảo Long giữ từ sau ngày thân mẫu ông là hoàng hậu Nam Phương qua đời (1963) đến nay.
Nguyễn Phúc Bảo Long sinh ngày 4 tháng Giêng 1936 tại điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế.
Khi Hoàng hậu Nam Phương sinh Hoàng tử Bảo Long, súng thần công đặt trên Kỳ đài nổ 7 tiếng báo hiệu tin vui cho trăm họ. Ngay sau đó người đứng đầu chính quyền Pháp, đứng đầu các nước Đông Dương, các quan lại Nam triều tới tấp gởi điện về Huế chúc mừng. Tất cả trẻ con Việt Nam trên toàn quốc có cùng ngày sinh 4/1/1936 với Bảo Long đều được triều Nguyễn tặng áo quần và sữa.
Năm Bảo Long ra đời cũng là năm khánh thành sân vận động Huế nên cái sân vận động có lòng chảo đua xe đạp đầu tiên ở Đông Dương này được mang tên sân vận động Bảo Long (Về sau đổi lại là sân vận động Tự Do, nay là sân vận động Huế).
Năm Bảo Long 3 tuổi thì được triều Nguyễn và Phủ Tôn Nhơn phong Hoàng Thái tử (vào ngày 7/3/1939). Hằng năm vào ngày sinh của Hoàng Thái tử, triều đình tổ chức sinh nhật gọi là lễ Thiên Xuân rất long trọng.
Hoàng Thái Tử Bảo Long lúc nhỏ.

Hoàng Thái Tử Bảo Long lúc nhỏ.

Bảo Long bắt đầu học với một vị hoàng tộc uyên bác thuộc Phủ Tuy Lý Vương là nhà văn Ưng Quả.
Sau ngày vua Bảo Đại thoái vị (30/8/1945) và được mời làm cố vấn cho Chính phủ cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoàng Thái tử và 4 người em theo Hoàng hậu Nam Phương về sống ở Cung điện mùa hè (Cung An Định) và tiếp tục học tại Trường Đồng Khánh với học trò trăm họ.
Vốn học tiếng Pháp và sinh hoạt trong gia đình với cha mẹ cũng nói tiếng Pháp nên sau ngày cách mạng Tháng tám 1945, Bảo Long phải cố gắng lắm mới học được tiếng Việt. Thỉnh thoảng Bảo Long bị các cô giáo Đồng Khánh phạt quỳ quay mặt vào tường. Bảo Long ngoan ngoãn chấp hành. Nhiều hôm đi đón con, Hoàng hậu Nam Phương thấy con bị phạt đau lòng lắm nhưng cũng phải quay mặt đi để cho con thi hành xong giờ phạt. Ngoài giờ học, Bảo Long nhập bọn chơi với học trò bình dân, hát Tiến Quân Ca, tập đánh trận. Nhiều lần Bảo Long đánh nhau với bọn trẻ con Tây.
Năm 1947, Cựu hoàng Bảo Đại rời Chính phủ cách mạng và sống lưu vong ở nước ngoài, Hoàng Thái tử và 4 người em theo Hoàng hậu Nam Phương rời quê hương qua sống ở lâu đài Thorenz tại Cannes thuộc vùng biển nghỉ mát Côte d’Azur (Pháp).
Tuy nhà Nguyễn đã cáo chung từ năm 1945, nhưng Cựu hoàng Bảo Đại và Cựu hoàng hậu Nam Phương vẫn gửi Bảo Long đi đào tạo về nhiều lĩnh vực.
Trước tiên Bảo Long học phổ thông ở Trường Roches tại Normandie, tiếp đến học Luật (Droit) và khoa học Chính trị (science politi-que) ở Paris, tiếp đến học sĩ quan tại trường quân sự nổi tiếng thế giới Saint-Cyr (1954) rồi trường Kỵ binh Saumur và ra trường với cấp bậc chuẩn úy (lieutenant) (1956).
bao long

Hoàng thái tử Bảo Long khi là một sĩ quan quân đội.

Trong suốt những năm học hành, Bảo Long luôn tỏ ra một người thông minh, chăm chỉ, nghiêm túc. Từ sau ngày tốt nghiệp Bảo Long rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. “Quốc trưởng” Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm theo Mỹ bày trò trưng cầu dân ý hạ bệ một cách nhục nhã, tài sản riêng của Bảo Đại (tương lai sẽ là tài sản của Bảo Long) ở Việt Nam và Pháp bị chế độ Ngô Đình Diệm tịch thu. “Quốc trưởng” Bảo Đại trở thành người sống lưu vong trên đất Pháp. Do đó Bảo Long – con của Bảo Đại cũng là một kẻ sống lưu vong. Trong túi của Bảo Long không có bất cứ một giấy tờ nào ngoài tờ Hộ chiếu ngoại giao của một công dân trong khối Liên hiệp Pháp.
Chuẩn úy Bảo Long không được công nhận là một sĩ quan Pháp mà chỉ là một sĩ quan ngoại quốc. Cuộc khủng hoảng tinh thần này đẩy Bảo Long tìm đến cái chết. Bảo Long không tự tử mà lại gia nhập đội quân đánh thuê Lê Dương ( Légion étrangère ), đứng trong hàng ngũ quân đội Pháp chống lại nhân dân Algérie.
Muốn có cái chết phi lý để xoá đi một hoàn cảnh phi lý, nhưng Bảo Long không chết mà chỉ chuốc lấy những lời phê phán nặng nề của bà con Nguyễn Phúc tộc và đồng bào Việt Nam. Tại sao một ông Hoàng Thái Tử Việt Nam lại đi làm lính đánh thuê (lính Lê Dương) cho Pháp? Không tiện trả lời câu hỏi này nên Bảo Long đã xin giải ngũ về làm nhân viên của một ngân hàng của gia đình bên ngoại. Từ đó ông xa lánh mọi hoạt động chính trị, ngoài giờ làm việc ở ngân hàng ông đắm mình suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời.
Bảo Long không lập gia đình. Có thời ông sống chung với Isabel Ébey – một cô gái nạ dòng, đã có hai con, chuyên gia trang trí nội thất. Sau đó Isabel Ébey mất, ông không làm bạn với một người đàn bà nào khác nữa.
Ông không đồng tình việc Cựu hoàng Bảo Đại làm giấy kết hôn với bà Monique Baudot, nên khi Cựu hoàng qua đời (1997), trong tang lễ ông đã bị bà Monique làm khó dễ. Trên nguyên tắc, sau khi Cựu hoàng Bảo Đại qua đời, ông là người thừa kế, nhưng ông không thích chuyện rắc rối nên ông không tranh chấp gì với bà Monique cả.
Đến 49 ngày thọ tang Cựu hoàng (5/10/1997), ông cùng với gia đình Nguyễn Phước tộc tại Pháp tổ chức một đại lễ cầu siêu cho thân phụ – vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam và tưởng niệm thân mẫu Hoàng hậu Nam Phương tại một ngôi chùa trong rừng Vincennes (Paris). Buổi lễ có đại diện các tôn giáo, các nhân vật chính trị từng làm việc với Cựu hoàng và đặc biệt là đông đủ bà con Nguyễn Phước tộc.
Do không sống với người Việt Nam, nên ông nói tiếng Việt rất khó. Tuy thế ông cũng đã cố gắng đọc Lời tưởng niệm dâng lên cha mẹ bằng tiếng Việt rất xúc động.
Hoàng Thái tử Bảo Long qua đời, không có người thừa kế, người em út của ông là hoàng tử Bảo Thăng (sinh năm 1943) được tiếp nhận tất cả tài sản và những bảo vật của triều Nguyễn do ông làm chủ từ sau ngày thân mẫu ông là Hoàng hậu Nam Phương qua đời (1963) đến nay.
Bao Thang

Hoàng tử Bảo Thăng, người thừa kế của Hoàng thái tử Bảo Long.

Ngoài người em trai là Hoàng tử Bảo Thăng, ông còn 3 cô em gái cùng cha cùng mẹ là các Công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Tất cả đều ở Pháp.
Gác Thọ Lộc (Huế), 8/2007

Nguyễn Đắc Xuân

Subscribe by Email

Follow Updates Articles from This Blog via Email

No Comments

About